Bánh Sắn Phú Thọ
Cách đây mấy chục năm, món bánh sắn nhân đũa khá phổ biến. Ngày đó, vì điều kiện khó khăn, bánh sắn không có nhân, nguyên liệu làm bánh chỉ là bằng bột sắn. Để giúp cho bánh chín nhanh, người dân thường dùng một chiếc đũa chọc một lỗ ở giữa bánh. Cái tên bánh sắn nhân đũa ra đời từ đó.
Ngày nay, để phù hợp với khẩu vị của người ăn, bánh sắn không nhân đã được thêm nhân đậu xanh, nhân thịt. Vị sắn hòa quyện với nhân bánh tạo nên hương vị thơm ngon đặc biệt.
Bột sắn cho vào thau lớn, cho từ từ nước vào nhào bột cho quyện đều, mịn, cho thêm chút muối vào nhào thật nhuyễn.
Băm nhuyễn thịt cùng hành khô và mộc nhĩ, cho lên bếp xào qua với 1 chút dầu ăn và nêm 1 chút gia vị.
Đỗ xanh ngâm nước nóng sau đó đãi sạch vỏ, cho lên nấu cơm đỗ, dùng thìa miết vụn cơm đỗ, nêm chút đường, nắm thành những nắm nhỏ.
Lá chuối rửa sạch bụi bẩn, dùng khăn lau khô. Tước ra thành nhiều lá nhỏ bằng 3 ngón tay.
Bột sắn chia thành những phần nhỏ vừa ăn.
Cán mỏng bột sắn khéo léo cho nhân vào, nhân mặn (thịt, mộc nhĩ) nhân ngọt (đỗ xanh). Nặn thành những chiếc bánh xinh xinh, dùng lá chuối bọc bên ngoài từng chiếc bánh để khi sôi bánh không bị dính vào nhau.
Lần lượt xếp bánh vào nồi đồ sôi. Bánh mặn xếp dưới, bánh ngọt xếp ở bên trên, có thể dùng ký hiệu riêng để phân biệt nhân bánh.
Đun nồi sôi lửa nhỏ vừa để bánh chín đều. Sau 40 phút bánh sẽ lên mùi thơm ngậy của sắn nếp và nhân đậu thịt. Khéo léo xếp ra đĩa và thưởng thức. Như vậy là bạ đã hoàn thành các bước làm món bánh sắn thơm ngon hấp dẫn rồi đấy. Thưởng thức bánh sắn, bạn sẽ cảm nhận được hương vị dân dã của món bánh này. Lớp vỏ bánh có màu xanh nhạt từ màu xanh của lá chuối, bên trong bánh có màu trắng và ở giữa là nhân. Khi ăn, bánh sắn có vị thơm của sắn lẫn vị bùi, béo của nhân đỗ xanh, hành, thịt băm tạo nên cảm giác vừa thanh vừa ngon nhất là khi ăn kèm với vừng lạc thì càng tăng nên độ ngon và bùi của món bánh này mang lại.