Chào mừng bạn đến với Bản Đồ Ẩm Thực Việt Nam
X

Bánh cuốn là một món đặc sản độc đáo của người Cao Bằng. Sự khác biệt của bánh cuốn Cao Bằng chính là ở cách chế biến và cách thưởng thức.

Lớp vỏ bánh cuốn được làm từ bột gạo Đoàn Kết chỉ có ở Cao Bằng. Chủ quán thường sẽ đem gạo đi xay vào buổi sáng sớm trước khi mở cửa hàng. Có như vậy thì bánh khi tráng xong không bị chua, giữ được mùi thơm đặc trưng. Khi có thực khách đến ăn thì chủ quán mới bắt đầu tráng bánh.

Yếu tố quyết định độ ngon và sự độc đáo cho món đặc sản Cao Bằng này chính là nước canh hầm từ xương thịt lợn. Sở dĩ có cách ăn như vậy là bởi cuộc sống ở đây chủ yếu dựa vào việc làm nương rẫy trên cao nên họ phải ăn những món ăn nóng ấm để vừa giúp giữ ấm cơ thể và dễ tiêu hóa.

Từng miếng bánh mềm mượt, dai dai, quyện với vị ngọt thanh, thơm phức của nước hầm xương và vị béo ngậy của nhân thịt băm phi hành cho thực khách cứ muốn ăn mãi mà chẳng thấy ngán tí nào.


Thành phần

Khẩu phần : 2-4 Người

Hướng dẫn thực hiện

  • Bước 1.

    Xương ống mua về chần qua với nước sôi, sau đó rửa lại với nước

  • Bước 2.

    Hành khô bóc vỏ, băm nhỏ. Rau mùi nhặt sạch, rửa với nước rồi thái nhỏ.

  • Bước 3.

    Nghiền bột làm bánh

  • Bước 4.

    Hầm nước dùng và làm nhân thịt, xương sau khi chần qua cho vào nồi ninh khoảng 3 - 4 tiếng để nước dùng được ngọt, đậm vị hơn bởi nước dùng là linh hồn của món bánh và cũng đem đến sự đặc sắc hơn so với bánh cuốn các vùng khác. Nước dùng sau khi đun sôi nêm nếm 1 chút muối, bột canh vào và tiếp tục đun.

  • Bước 5.

    Trong khi ninh xương, ta bắc chảo cho dầu ăn đun nóng, khi dầu sôi cho hành khô thái nhỏ vào phi thơm, cho phần thịt xay vào xào chung với nhau, nêm nếm 1 thìa nước mắm, 1⁄2 thìa bột canh sau đó đảo đều cho ngấm gia vị.

  • Bước 6.

    Bắc nồi tráng bánh cuốn lên bếp, cho 1 lượng nước vừa phải, đến khi nước sôi ướt mặt vải thì tiến hành tráng bánh.

  • Bước 7.

    Dùng muôi múc một lượng bột vừa đủ đổ lên mặt vải, dàn đều cho bột mỏng ra sau đó đậy vung lại khoảng 1 phút cho bột chín.

  • Bước 8.

    Dùng que gạt dài lấy bánh ra mâm đã quét sẵn mỡ lợn cho bánh đỡ dính.

  • Bước 9.

    Tiếp tục tráng những mẻ tiếp theo đến khi hết bột.

  • Bước 10.

    Bánh chín được vớt ra mâm, múc phần nhân đã xào sẵn vào, cuộn đều lại. Sau đó, ta xếp bánh ra đĩa, múc phần nước dùng đã ninh ra bát, có thể chần thêm 1 quả trứng gà và giò vào bát nước dùng. Ngoài bánh cuốn nhân thịt, còn có bánh cuốn trứng lòng đào đặc biệt hấp dẫn mà thực khách nên thử.

Nghệ nhân

Lê Tố Uyên

  • Năm sinh: 1971
  • Đơn vị công tác: Quán bánh cuốn Phong Uyên

Địa Điểm Quán Tiêu Biểu

Quán bánh cuốn Phong Uyên

Địa chỉ: số 059, Phố Cũ, phường Hợp Giang, TP. Cao Bằng